Sinh ra ở vùng đất Tây Nguyên, mình không xa lạ gì với các khu vườn cà phê bát ngát. Cà phê được trồng khắp nơi, từ quả đồi này sang quả đồi khác, trải dài bất tận, cho đến khoảng sân nhỏ trước nhà, sau bếp, cạnh giếng nước… Nhưng nếu nói tới mức độ hiểu rõ về cà phê, thì mình chưa bao giờ dám trả lời một cách tự tin cho đến khi mình bắt đầu hành trình khám phá Bảo Lộc. Thì ra, có những thứ cho dù hằng ngày vẫn hiện hữu quanh mình, nhưng nếu mình mãi hờ hững không để tâm, thì sẽ không bao giờ mình cho bản thân có cơ hội hiểu về nó.
Từ khi chuyển về Bảo Lộc, mình luôn háo hức đợi đến ngày phố núi bước vào mùa thu hoạch cà phê. Ừ thì kể cũng lạ, ngày trước lúc chưa xuống Sài Gòn đi học và đi làm, thì rõ ràng là mình cũng đã bước qua gần hai mươi vụ thu hoạch cà phê Bảo Lộc. Ấy vậy mà lần này, mình lại mang một tâm trạng mong ngóng như cảm giác được đến một nơi mới, khám phá một vùng đất mới. Và rồi mình cũng đã vượt qua được một mùa mưa dông của Bảo Lộc, đợi đến cuối tháng 10 khi mùa mưa kết thúc, để có thể rong ruổi đi bộ quanh các khu vườn cà phê căng trái đỏ mọng, trải nghiệm được không khí thu hoạch cà phê rộn ràng, hân hoan.
Thì ra, cà phê cũng như cuộc đời con người, cần có 9 tháng 10 ngày thai nghén mới tới ngày thu hoạch. Để rồi sau khi rời đất Mẹ, các bạn ấy cũng phải trải qua một hành trình rất mới, hành trình rang xay để lột xác, để vị nguyên bản của cà phê được đánh thức, thơm lựng như các ly cà phê mà mọi người vẫn hay thưởng thức hằng ngày.
Nói về quá trình 9 tháng 10 ngày gắn bó với đất Mẹ kia, thì để đến được với ngày thu hoạch, trái cà phê cũng đã trải qua một hành trình đầy nắng gió. Từ những mầm xanh, khi được “uống” đủ nước, thì một ngày tháng Giêng tỉnh dậy các mầm xanh đã trở thành những đóa hoa trắng tinh khôi như những nàng thiếu nữ ngây thơ đang độ xuân thì. Lớn hơn một chút, hoa kết thành trái. Trái xanh non và yếu ớt, từng ngày trải qua những cuộc ngụp lặn khi đất trời đổi thay. Đó là những cơn mưa dữ dội, hay những cơn gió lạnh thật khắc nghiệt. Có khi những trái cà phê còn bị hút cạn sinh lực từ một loài sâu bệnh hay những đợt hạn hán không được báo trước. Thế nhưng cà phê dường như mạnh mẽ hơn vì không có quả nào lẻ loi, vì các bạn được kết thành chùm, luôn ở bên cạnh nhau, cùng vượt qua những thử thách với nhau, giống như chúng ta luôn có những người bạn bên cạnh. Ngay cả trong mỗi quả cà phê, đều có 2 hạt nhân giống như là anh em song sinh của nhau vậy. Đối với mình, quả cà phê mang ý nghĩa của sự tương trợ, bền chặt.
Những trái cà phê đến được với chuyến phiêu lưu tiếp theo, là những trái đã nếm đủ mùi vị thiên nhiên, đủ thăng trầm để trở thành một tạo hình đáng tự hào của mẹ thiên nhiên, mạnh mẽ và trưởng thành nhất. Lớp áo dần chuyển từ xanh sang đỏ mọng, màu đỏ bắt đầu rực rỡ lên trên khắp các nẻo đường Bảo Lộc bắt đầu từ tháng 10. Có lẽ đây cũng là một trong những giai đoạn đẹp nhất trong hành trình của những trái cà phê: đáp lại công tưới tiêu, chăm sóc của những người dân đất đỏ bazan bằng một vụ mùa bội thu.
Thì ra, mùa thu hoạch cà phê rộn ràng không chỉ đối với người dân quê mình, mà còn là công việc mưu sinh của nhiều người dân các tỉnh lân cận. Mình đã thắc mắc khi bắt gặp nhiều lán trại dựng lên giữa các vườn cà phê khi tháng 10 đến. Hóa ra đó là nơi ở của những người dân ở Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông… cùng nhau đến Bảo Lộc mùa này để hái cà phê cho các vườn có diện tích lớn. Vì đặc trưng cà phê chín nhanh, nếu hái không kịp hoặc để cà phê quá chín sẽ bị rơi rụng làm giảm năng suất, nên hầu hết cứ đến mùa cà phê thì Tây Nguyên sẽ là điểm đến của các anh em vùng lân cận. Mọi người thường sẽ đi theo nhóm, được chủ vườn khoán công theo ngày, hoặc theo số lượng cà phê hái được.
Hôm lên thăm vườn của một người bác gần nhà, mình nghe kể năm nào cũng vậy, các anh em đều tất bật tranh thủ các tháng cuối năm tất bật hết từ vườn này đến vườn khác. Hái Bảo Lộc xong rồi, các nhóm sẽ vòng lên Di Linh, qua mạn Gia Nghĩa, Đà Lạt… – nơi cà phê chín muộn hơn. Tuy hái cà phê là một công việc mưu sinh quen thuộc, nhưng có những người mới hái được vài ba vườn thì gặp một cơn sốt rừng, hoặc không cẩn thận làm tay bị thương trong lúc hái, thì sẽ phải bỏ lỡ cả một vụ mùa. Nếu trước đây nói đến hái cà phê mình chỉ nghĩ đơn giản là hái thôi, thì nay mình mới biết được những người hái cà có khi phải vượt qua những con đường mòn dốc uốn lượn, có khi còn là những sườn đồi có phần nguy hiểm, từ sáng sớm đến tối mịt nhiều ngày liên tiếp. Nếu gặp những ngày nắng ráo thì còn may, chứ lỡ có những ngày trở trời mưa giăng mù mịt, thì mọi công việc lại phải trì hoãn, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên.
Trái cà phê sau khi rời khỏi đất Mẹ, sẽ được xay, phơi để cho ra được những hạt cà phê nhân vàng ươm có độ ẩm phù hợp. Tuổi thơ của mình gắn liền với công đoạn này, nhà mình thu mua lại trái cà phê còn tươi từ nhà vườn và phơi khô rồi xay lấy nhân. Trong trí nhớ của mình, thì ngày đó cà phê được dàn đầy những khoảng sân rộng, mọi người trong nhà vừa phơi vừa canh trời canh đất. Chỉ một tiếng hô “Mưa” thôi thì dù đang trong bữa cơm hay làm bất cứ việc gì cũng bỏ hết để chạy tới “cứu cà”. Hiện nay, tuy đã có nhiều lò sấy giúp cho người dân sản xuất cà phê bớt phụ thuộc hơn, nhưng vào mùa cuối năm, dọc trên các con đường Đại Lào, Đambri… cũng không khó để bắt gặp hình ảnh người dân giữ truyền thống phơi cà phê dọc hai ven đường. Có thể nhiều hay ít nhưng việc trồng cà phê, phơi cà phê đã giống như là một thói quen, tập quán của bất cứ gia đình nào thuộc miền cao nguyên này.
Thì ra, uống cà phê cũng như cuộc sống này, phải nếm trải hết vị đắng rồi mới cảm nhận được hậu vị ngọt ngào. Và đằng sau vị ngọt cũng là biết bao nhiêu câu chuyện sương gió, là biết bao nhiêu bàn tay chai sạn của người trồng, người hái, người phơi… vất vả, nhọc nhằn.