Xứ B’lao có nhiều thứ làm mình bất ngờ ghê, chắc vì vậy nên chuyển về ở hẳn tại Bảo Lộc cả năm trời mà vẫn chưa hết chỗ để đi và chưa hết chuyện để kể. Và một trong những câu chuyện mình khá ấn tượng là về khu rừng thông đặc biệt ở Đại Lào: Đồi Thông Phương Bối
Đồi Thông Phương Bối có câu chuyện đặc biệt gì?
Hôm đi khảo sát một vòng Đại Lào thì mình quyết định chọn Đồi thông Phương Bối là một phần trong các địa điểm tham quan của tour chữa lành cho B’lao Ecotourism với chủ đề TÌM LẠI, vì ấn tượng với những hàng thông và thảm cỏ xanh mướt, với bầu không khí trong trẻo, hoang sơ nhẹ nhàng tại đây. Cũng là rừng thông, nhưng chỗ này có một phong thái rất khác, mang lại cảm giác thư thái lạ kỳ.
Lúc ấy, chỉ đơn giản là mình cảm thấy nơi này phù hợp để những người bạn của B’lao Ecotourism ghé lại kết nối với Mẹ Thiên Nhiên, chứ mình chưa hề biết về câu chuyện mà đồi thông Phương Bối đã mang theo suốt bao nhiêu thập kỉ…
Phương Bối Am và tác phẩm Nẻo Về Của Ý
Một cách tình cờ qua các câu chuyện, qua những người mình được gặp khi đến thăm rừng thông, mình biết được hóa ra địa điểm này lại chính là nơi mà vị thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đích thân lập ra từ năm 1957 và đã có vài năm tu tập tại đây. Đối với Thiền sư thì đây như là một chốn cội nguồn tâm linh, là nơi mà sư ông đã nghĩ ra con đường tu hành và pháp môn của mình. Thiền sư đã dành nhiều yêu thương để viết về nơi này trong tác phẩm Nẻo Về Của Ý.
Ở Nẻo Về Của Ý, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết: “Phương là thơm, là quý. Bối là lá bối đa, một thứ palmier lá dài. Ngày xưa chưa có giấy người ta viết kinh trên thứ lá ấy. Phương Bối nói lên được ý hướng quý trọng và phụng sự nền văn học đạo Phật của chúng ta.”
Khởi phát từ đây, Sư ông mong “xây dựng một trung tâm tu học để cho tất cả chúng tôi có nơi trở về để được nuôi dưỡng và trị liệu sau những thời gian hoạt động. Phương Bối Am sẽ thành một làng thực tập, gọi là Làng Hồng. Làng Mai ở Pháp cũng là một hậu thân của Phương Bối, Làng Hồng” (Theo USSH – VNUHCM). Tuy nhiên, thế sự không nói trước được điều gì. Dù rất tâm huyết với vùng đất B’lao và mảnh đất Phương Bối nhưng sư ông Thích Nhất Hạnh và Thích Thanh Từ đã không thể ở lại đây lâu dài vì tình hình chiến sự phức tạp.
Sau khi rời Phương Bối, thiền sư luôn mong ngóng ngày được trở về, tìm lại những kỉ niệm của những ngày đầu khai hoang, lập thất và hơn hết cả là cảm giác an yên.
Cùng thưởng thức một trích đoạn trong Nẻo Về Của Ý mà sư ông Thích Nhất Hạnh đã viết về Phương Bối và xứ B’lao xưa dưới đây. Tuy nhiên trong sách có một chi tiết là tác phẩm liên tục nhắc về Đại Lão thay vì là Đại Lào. Cũng không biết đó là tên ngày xưa của Đại Lào nhà mình hay do người dịch sách bị sai chính tả nữa 😅
“Suốt hai năm trời ở Phương Bối mà buổi sáng nào đứng từ đồi Thượng ta cũng thấy Phương Bối đẹp. Không có một buổi sáng nào giống buổi sáng nào. Có những buổi sáng thức dậy ta chẳng trông thấy được gì ngoài cửa sổ. Bởi vì sương mù dày đặc. Đứng cách nhau chừng năm sáu thước đã có thể không trông thấy nhau. Có những buổi sáng đứng trên đồi Thượng ta có cảm tưởng rất thực là ta đang đứng trên một hòn cù lao ở hải đảo. Sương mù trắng xóa và bằng phẳng như mặt biển, dàn trải đến chân trời. Các ngọn núi xa là những cù lao. Mãi cho đến gần mười giờ sáng sương mới tan và cảnh tượng mới lại phô bày chân tướng. Mà thực ra ta khó nói được thế nào là chân tướng của cảnh tượng nữa. Mỗi ngày mỗi khác. Mỗi giờ mỗi khác. Phương Bối là một dòng tiếp nối của những cảnh tượng thần diệu.”
Một đời người, một rừng thông – thi sĩ Nguyễn Đức Sơn
Sau khi thiền sư rời đi thì gia đình cố thi sĩ Nguyễn Đức Sơn (còn gọi là Sơn Núi) – một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, đã tới sinh sống và chăm sóc nơi này từ khoảng năm 1979. Thay vì trồng các loại cây có thể mang lại giá trị kinh tế cho gia đình thì ông Sơn Núi lại gom hết khoản tích góp ngày ngày đạp xe đi tìm những cây thông giống và tự tay trồng lên cả ngàn cây thông phủ khắp khu đồi 25ha mà mọi người được biết với cái tên Đồi Thông Phương Bối ngày nay.
Thời điểm đó, gia đình ông gần như sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài, ăn chay trường và tự cung tự cấp. Mình nghe kể cô con gái lớn được đặt tên Phương Bối, đủ để thấy tình yêu thương, tâm huyết của ông và gia đình với mảnh đất này như thế nào. Mình thấy có nhiều tranh cãi về những hành động được cho là kỳ quặc hay “không hòa hợp xã hội” của ông, nhưng với mình, thì người mà có thể sống một cuộc sống không màng danh lợi vật chất, đã dành cả đời người để chăm sóc và giữ gìn một rừng thông cho thế hệ sau, thì thật sự là đã mang một lý tưởng cao đẹp mà chắc có lẽ sẽ phải đủ “tâm và tầm” thì mới hiểu được trọn vẹn.
“Ta đến đây. Khác với mây. Là ở lại” – câu khắc trên bia mộ của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn được gia đình lập tại đồi thông Phương Bối.
Tham quan Đồi Thông Phương Bối
Đồi thông Phương Bối nằm tại đường Lê Thị Riêng, Đại Lào, Bảo Lộc.
Nếu so với các đồi thông lớn khác tại Bảo Lộc như đồi thông B’lá thì Đồi thông Phương Bối không hùng vĩ bằng. Nhưng nếu nói đến vẻ đẹp thơ mộng và mang lại cảm giác an lành thì nơi đây thật sự thu hút những lữ khách phương xa. Ánh sáng len lỏi qua những khe lá, tạo ra những điểm sáng và bóng râm xuyên suốt khu rừng, hòa với tiếng chim hót truyền đi một cảm giác thanh thản và tươi mát. Đến đây, hãy thả lỏng tâm trí, khẽ đóng mắt và lắng nghe, để cảm nhận được sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên.
Men theo đường mòn vào phía trong sâu hơn của Đồi Thông Phương Bối là căn nhà của gia đình thi sĩ Sơn Núi vẫn còn cư trú. Phía trước có để một tấm bảng hiệu là khu vực riêng tư nên nếu chưa xin phép gia đình vào chơi thì mọi người lưu ý chỉ tham quan khu vực rừng thông ở phía ngoài thôi nhé.
Khu vực Đồi Thông Phương Bối cũng thích hợp cho nhóm bạn ghé picnic, cắm trại và chụp những tấm hình sống ảo chất lượng. Các bạn ghé chơi thì nhớ dọn rác sạch sẽ khi ra về để không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên chung nhé.
Tiệm cà phê Ngày Về tại Đồi Thông Phương Bối
Đến tham quan đồi thông Phương Bối, các bạn có thể ghé qua Tiệm cà phê Ngày Về. Mình nghe nói cô chủ ở đây là con gái út của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, tên là Tiểu Khê. Tiệm cafe nằm giữa khu rừng thông yên bình với phong cách mộc mạc, nhiều góc chill và nước uống giá cũng rất phải chăng. Mình đặc biệt thích món nước ép cóc xí muội của tiệm.
Đây là một địa điểm lý tưởng để ghé qua vào buổi sáng và buổi trưa để tận hưởng không khí mát mẻ của rừng thông mà không cần phải quan tâm ngoài trời đang nắng gắt thế nào. Chị phục vụ tại tiệm cũng rất nhiệt tình và thân thiện, hỏi gì cũng hỗ trợ hết mình, mà tiệm lại gần nhà mình nữa nên đây đã thành quán ruột của mình luôn rồi.
Nếu lần đầu đến tham quan du lịch tại Bảo Lộc, các bạn có thể khám phá thêm Lịch trình du lịch Bảo Lộc tại bài viết này.